Bê bối Đài Truyền hình Việt Nam

Đây là một danh sách chưa hoàn tất, và có thể sẽ không bao giờ thỏa mãn yêu cầu hoàn tất. Bạn có thể đóng góp bằng cách mở rộng nó bằng các thông tin đáng tin cậy.

Liên quan đến biên tập viên

  • Biên tập viên ăn cắp ở nước ngoài: Bà Kiều Trinh (con gái ông Vũ Văn Hiến, nguyên tổng giám đốc VTV, vợ cũ của đạo diễn Trần Lực) tiếp tục lên sóng truyền hình và giữ chức Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao - Du lịch của Ban Thời sự VTV1 mặc dù khi còn đi học ở Kalmar (Thụy Điển), bà đã ăn cắp một số váy và hàng hóa trị giá 400 USD và bị cảnh sát bắt giữ thẩm vấn 6 tiếng đồng hồ.[9]
  • Biên tập viên nói lời khiếm nhã trên sóng trực tiếp: BTV Lê Bình đã không giữ được bình tĩnh và buột miệng nói tục do sự cố kỹ thuật liên tiếp của chương trình Bản tin Tài chính - Kinh doanh lên sóng trực tiếp sáng ngày 06/04/2011 trên VTV1.[10]
  • BTV Lê Thanh Huyền đăng một dòng trạng thái trên Facebook phê phán thanh niên Việt Nam “lười làm, ham chơi, học hành kém cỏi, kiến thức hạn hẹp…”, nữ Biên tập viên này càng khiến dân mạng “sục sôi” hơn khi tuyên bố vẫn yêu mến Triệu Vi dù Triệu Vi ủng hộ đường lưỡi bò của Trung Quốc.[11]
  • BTV đọc nhầm thủ tướng: Trong chương trinh thời sự 19h trên VTV1 và VTV3 vào ngày 24/05/2016, BTV Vân Anh đã có sai sót nghiêm trọng khi nói: "Chiều nay tại Hội nghị tiếp Bộ trưởng GTVT Mozambique, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị..." (đọc nhầm tên thủ tướng hiện tại thành nguyên thủ tướng)[cần dẫn nguồn]

Vi phạm bản quyền

VTV từng bị nhiều người tố cáo là vi phạm bản quyền hình ảnh, âm nhạc trong các chương trình phát sóng của đài.[12][13] Dưới đây là một số vụ điển hình:

  • Chương trình Quà tặng cuộc sống phát sóng lúc 22h10 ngày 25/06/2015 trên VTV3 bị tố xâm phạm bản quyền.[14]
  • Bùi Minh Tuấn (chủ nhân kênh YouTube Yamaha Trung Tá) cho biết nhiều lần xem các chương trình trong năm 2015 của VTV, anh Tuấn phát hiện nhiều hình ảnh của mình bị VTV sử dụng mà không xin phép anh (tổng cộng 20 lần) nên anh đã tố cáo việc làm của VTV với YouTube,[15] dẫn tới việc kênh Youtube chính thức của VTV bị khóa.[16][17] Ngày 1 tháng 3 năm 2016, VTV đã lên tiếng thừa nhận việc vi phạm bản quyền sau khi kênh YouTube chính thức của đài đã bị khóa từ ngày 29 tháng 2.[18]
  • Phim "Quỳnh búp bê" tập 19 (phát sóng ngày 22/10/2018 trên VTV3) đã sử dụng cả phần nhạc và lời ca khúc "Nhật ký của mẹ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhưng chưa xin phép và thực hiện quyền tác giả. Trong tập đó có cảnh Quỳnh (Phương Oanh) đi làm từ thiện cùng công ty. Buổi tối sinh hoạt chung, Quỳnh được đề nghị hát một ca khúc, Quỳnh đã chọn Nhật ký của mẹ.[19]

Dàn dựng phóng sự "quét rau" sai sự thật

Trong chương trình "Café sáng với VTV3" phát trên kênh VTV3 ngày 04/05/2016 có đăng tải một 6sự do phóng viên Phạm Thị Phương thực hiện (theo VTV, đây là phóng viên tập sự) quay cảnh người nông dân dùng chổi để quét ruộng rau cùng với lời bình: “Rau mà non người ta không dám ăn. Nên bây giờ phải quét để giả sâu ăn. Quét xong khoảng 2 đến 3 hôm sau mới thu hoạch cho giống sâu ăn thật!”[20] Sau đó trong phóng sự, thêm một người nông dân khác nói rằng: “Mình dùng chổi quét xuống, nhìn cũng giống như rau rách. Quét thế chẳng qua để lừa người tiêu dùng…”.[20] Tuy nhiên, theo như báo cáo của UBND xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá thì vào ngày 30/04/2016 có 3 phóng viên tự giới thiệu là người của VTV3 về làng Cao Mật (xã Vĩnh Thành) để tác nghiệp trên cánh đồng trồng rau của nông dân địa phương. Trên ôtô của họ còn có các dụng cụ để dàn dựng đoạn phóng sự, rồi họ còn nhờ người dân đóng vai. Sau khi phát sóng, người dân xã Vĩnh Thành đã phản ứng kịch liệt.[20] Ngày 10/05/2016, tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước bầu cử HĐND địa phương ở xã Vĩnh Thành, ba phóng viên trên đã về xã Vĩnh Thành để xin lỗi người dân địa phương.[20][21] Người dân làng đã không chấp nhận lời xin lỗi của các phóng viên và cương quyết yêu cầu họ phải làm một phóng sự khác để đính chính thông tin sai sự thật. Theo người dân làng thì sau khi xuất hiện clip dàn dựng này, việc tiêu thụ rau an toàn của bà con nông dân xã Vĩnh Thành gặp nhiều khó khăn.[20] Đài truyền hình Việt Nam sau đó đã bị Bộ Thông tin-Truyền thông xử phạt 50 triệu đồng vì "vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí khi đăng phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng" và buộc phải cải chính xin lỗi.[22]

Liên quan đến yếu tố chính trị

  • Năm 2008, VTV đã lừa dối khán giả với bộ phim tài liệu "Linh hồn Việt Cộng". Vụ việc này đã mở đầu cho sự yếu kém về chính trị của VTV.[11]
  • Chương trình Thời sự 19h ngày 14/10/2011 đã sử dụng cờ Trung Quốc 6 sao khi đưa tin về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.[11]
  • Năm 2013, VTV phát sóng lời bài hát “Người yêu của lính” mang tính chất ca ngợi lính Việt Nam Cộng Hòa (thuộc danh mục bài hát bị cấm lưu hành) trong chương trình Chúng tôi là chiến sĩ.[11]
  • Trong chương trình Thời sự an ninh phát sóng ngày 01/12/2014 với nội dung Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 – 2014), tại phút 34, Ban Biên tập của chương trình đã dùng hình ảnh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc để minh họa thay cho hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hành vi này đăng, phát sóng thông tin sai sự thật này đã bị phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng xã hội. Sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm này của một số người làm chương trình đã khiến cho đông đảo cộng đồng mạng và dư luận xã hội thất vọng.[11]
  • Tối 27/07/2015, trong chương trình "Khát vọng đoàn tụ" được truyền hình trực tiếp trên VTV1, ekip chương trình là Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội đã sử dụng một đoạn nhạc được cho là có giai điệu giống với giai điệu bài "Ca xướng tổ quốc" (Ca ngợi tổ quốc) của Trung Quốc. Ekip của chương trình sau đó đã bị kỷ luật khiển trách.[23]
  • Đêm 11/06/2016, trong chương trình trực tiếp trao giải thưởng cuộc thi "Những tấm gương bình dị mà cao quý” - lần thứ 7, ban biên tập đã lấy hình cổ động học tập theo trước tác của Mao Trạch Đông để làm hình nền cho suốt chương trình[11]. Video clip chương trình này cho tới nay vẫn chưa bị gỡ.[24]
  • Trong chương trình Thời sự 19h ngày 26/07/2017, khi đưa tin về kỷ niệm ngày 27/7, VTV đã sử dụng hình ảnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang ăn mừng chiến thắng tại trận Xuân Lộc, Đồng Nai để minh hoạ thay cho hình ảnh quân đội Nhân dân Việt Nam.[25]
  • Trong chương trình Cuộc sống thường ngày 13/09/2017, Ban biên tập đã sử dụng bản đồ có chứa đường lưỡi bò của Trung Quốc để làm bản tin “Dự báo thời tiết” về cơn bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Sau khi bị phản ánh, VTV đã vội vã xóa bài, và thay bằng đoạn clip thông tin về “Bão Irma của Mỹ”.[11]

Khác

  • Lỗi sai về mặt địa lý: Chương trình "Điệp vụ tuyệt mật" (phát sóng ngày 02/05/2015 trên sóng VTV3) hiển thị sai bản đồ Việt Nam: thủ đô Hà Nội bị đánh dấu đến khu vực Quảng Tây, Trung Quốc và cũng không nói về hai quần đảo Hoàng SaTrường Sa (Việt Nam đang tranh chấp chủ quyền), nên Ban sản xuất các chương trình giải trí - VTV3 đã bị phạt 15 triệu đồng.[26]
  • Chương trình Tìm kiếm tài năng: Vietnam's Got Talent thiếu thận trọng trong kiểm duyệt nội dung chương trình, để xảy ra sự cố thí sinh uống nhầm axit, gây phản ứng trong dư luận xã hội và báo chí.[27]
  • Tập 5 chương trình "Điệp vụ tuyệt mật" phát sóng ngày 13/06/2015 đề cập quá nhiều đến nội dung nhạy cảm vào khung giờ vàng của truyền hình, với đối tượng khán giả đa dạng ở mọi lứa tuổi trong bối cảnh luật định về vấn đề chuyển giới tại Việt Nam chưa rõ ràng, cũng như việc một số quốc gia đã có luật cấm truyền thông về vấn đề người đồng giới, chuyển giới với đối tượng thanh niên là chưa phù hợp, thiếu suy xét. Không chỉ vậy, cách làm này còn khiến khán giả liên tưởng đến các pede show, sex show rất phổ biến ở Pattaya, Thái Lan, tạo cảm giác về nội dung thiếu lành mạnh, không phù hợp với văn hoá Việt Nam trên làn sóng của Đài truyền hình quốc gia.[11]
  • Về việc phát sóng chương trình kết thúc "Nhật ký Vàng Anh" (2007): Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghiêm khắc phê bình lãnh đạo VTV đã cho phát sóng chương trình kết thúc Nhật ký Vàng Anh không có tác dụng giáo dục, gây phản ứng trong xã hội, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đài truyền hình quốc gia.
  • Lỗi sai về mặt lịch sử: trong chương trình "Câu chuyện văn hóa" trên sóng VTV1 năm 2015, trong đoạn thông tin về điện Long An (Huế), kèm theo lời: Điện Long An, thuộc quần thể Kiến trúc cung Bảo Định. Được Thuận Trị - một trong những hoàng đế nổi tiếng về thơ văn cho xây dựng vào năm 1845... là do biên tập viên thuyết minh chương trình đọc nhầm tên vua Thiệu Trị của nước ta thành vua Thuận Trị của nhà Thanh (Trung Quốc)[28]. Không chỉ có chương trình này, VTV cũng đã không ít lần nói sai những kiến thức hết sức cơ bản như trong chương trình S-Việt Nam, khi MC ngoại quốc hỏi về vị tướng có trận chiến lẫy lừng trên sông Bạch Đằng, MC nữ đã trả lời là Ngô Quyền hay đưa những nhân vật lên sóng quốc gia để xuyên tạc Hiệp định Geneva, xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cào bằng lịch sử để chạy tội cho Mỹ Ngụy, đưa hình ảnh hàm ý xấu về lực lượng Cảnh sát Giao thông…[11]
  • Về chương trình truyền hình gây xúc phạm: chương trình Bố ơi mình đi đâu thế (phiên bản Việt Nam) tập 18 (phát sóng năm 2015) đã gây xúc phạm đến những đối tượng trẻ em đang có chứng tự kỉ.[29] Không chỉ có chương trình này, mà cũng còn có chương trình Quà tặng cuộc sống ngày 19 tháng 11 năm 2014 phát phim "Nhặt xương cho thầy" có nội dung phản cảm. VTV bị phạt 30 triệu đồng vì gây xúc phạm nghề giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.[30]
  • Chương trình Điều ước thứ 7 ngày 10/01/2015 trên sóng VTV3 với nội dung chương trình kể về chuyện tình và điều ước của cô gái khiếm thị Nguyễn Như Đào (quê Anh Sơn, Nghệ An) và chàng trai Nguyễn Nhật Thanh (quê Quảng Xương, Thanh Hóa). Theo đó nội dung chương trình xoay quanh câu chuyện tình yêu hiếm có giữa một chàng trai trẻ là con trai duy nhất trong gia đình, tốt nghiệp khoa thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia và một cô gái khiếm thị nghèo khó.[31] Sau đó VTV bị phạt 40 triệu đồng vì đưa tin sai sự thật.[32]
  • Chương trình “Nhân tố bí ẩn” (X-Factor) ngày 12/10/2014 có tiết mục mashup các ca khúc Tây Nguyên của nhóm F-Band sử dụng chiếc khăn Piêu (biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái) để đóng khố, biểu diễn trên sân khấu, không đúng và không thích hợp, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội nên VTV bị phạt 15 triệu đồng.[33]
  • VTV bị cáo buộc dàn dựng phóng sự về nạn phá rừng tại Đắk Lắk.[34] Một chương trình khác của VTV24 là "Nói không với thực phẩm bẩn" cũng đang là mục tiêu của một số trang báo như Infonet, website hải ngoại Dân Việt, Vntinnhanh, BBC,... liên quan đến nghi vấn có hay không sự dàn dựng phóng sự về pate, xúc xích bẩn.[35]
  • Trong phần dự báo thời tiết sau chương trình Thời sự 12h ngày 05/07/2018, VTV đã sử dụng video vụ cháy cột điện tại đường Bến Nghé, Huế chiều 03/07/2018 nhưng biên tập viên lại nói đây là hình ảnh vụ cháy xảy ra ở phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ngày 04/07/2018. Theo nhiều người nhận định, ban biên tập có thể đã không nhìn kỹ hình ảnh của video này khi tìm kiếm trên internet.[36]
  • Ban biên tập chương trình "Toàn cảnh thế giới" đưa nhầm logo của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) thành tên một từ chứa ý nghĩa tục tĩu (bằng tiếng Anh) trong chương trình phát sóng ngày 14/10/2018 trên sóng VTV1. Theo nhiều người nhận định, biên tập viên của VTV có thể đã không nhìn kỹ logo của tổ chức này khi tìm kiếm trên internet.[37]
  • Tập 7 chương trình "Kèo này ai thắng" phát sóng ngày 12/03/2020 bị chỉ trích vì hình ảnh phản cảm. Cụ thể, trong phần đặt cược thứ 2 với thử thách vừa bịt mắt, vừa ném dao lên củ cải trắng của tài năng Hoàng Khang, chương trình đã sắp xếp một người mẫu nữ dùng miệng và tay giữ củ cải trắng để Hoàng Khang ném dao. Tuy nhiên, hành động của người mẫu nữ cùng với các góc quay khi lên sóng đã tạo ra nhiều hình ảnh bị cho là phản cảm, dung tục. Sau khi chương trình lên sóng, đoạn video cũng như hình ảnh chụp lại màn thực hiện thử thách ném dao vào củ cải trắng nhận nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả lên tiếng chỉ trích chương trình vì cho rằng nhà sản xuất cố tình tạo tình huống nhạy cảm để thu hút người xem. Hiện tại, nhà sản xuất đã gỡ hết tập phát sóng này trên YouTube và các ứng dụng video khác.[38][39]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đài Truyền hình Việt Nam http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2010/09/1009... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/01/1501... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/1605... http://ngonco.net/dung-voi-chui-vtv-vi-da-dang-tai... http://ngonco.net/qua-yeu-kem-ve-chinh-tri-vtv-co-... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/truyen-hinh/n... http://web.archive.org/web/20171231065337/http://w... http://baophapluat.vn/kham-pha/an-cap-ban-quyen-o-... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/vtv-len-tieng... http://danviet.vn/tin-tuc/khan-gia-buc-minh-vi-vtv...